Sức mạnh của thương hiệu
Vấn đề thương hiệu thật ra là trung tâm của chiến lược marketing. Ngày nay, do sự tham gia của nhiều học giả vào lĩnh vực này, marketing đã khoác vào bản thân của nó quá nhiều thuật ngữ chuyên môn khó hiểu, chẳng hạn “khúc thị trường” (market segment), “phân khúc thị trường” (segmentation), “kẻ khống chế thị trường” (market leader), “thị trường tí hon” (niche)…
Cả vấn đề thương hiệu cũng thế, nào là “siêu thương hiệu” (megabrand), “thương hiệu phụ” (sub-brand), “đồng thương hiệu” (co-brand), “thương hiệu bảo trợ” (shadow endorser), “thương hiệu viên đạn bạc” (silver-bullet brand), “thương hiệu động lực” (driver brand), “kiến trúc thương hiệu” (brand architecture), “phổ thương hiệu” (brand spectrum), “quản trị danh mục thương hiệu” (brand portfolio management)…
Tất cả những thuật ngữ này xuất hiện trong các tác phẩm viết về chiến lược kinh doanh từ Philip Kotler, Peter Drucker cho đến Jack Trout, Al Ries, Laura Ries, David A. Aaker, Duane E. Knap, Lynn B. Upshaw, cũng như các bản dịch “khập khiễng”, chủ yếu dịch các tác phẩm viết về thương hiệu của David A. Aaker, đang tràn ngập bát nháo trên thị trường sách vở hiện nay.
Ngày nay kinh doanh đã trở thành đối tượng cho một ngành nghiên cứu hàn lâm thật sự trong các trung tâm đào tạo quản trị kinh doanh trực thuộc các trường đại học lớn, cho nên việc phát triển một hệ thống thuật ngữ chuyên biệt là một điều tất yếu.
Thuật ngữ gây rắc rối đầu tiên là “giá trị thương hiệu” (brand equity). Có người còn dịch thành “tài sản nhãn hiệu”. Theo giáo sư David A. Aaker, giá trị thương hiệu gồm có bôn yếu tố cấu thành: sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu (brand loyalty), việc khách hàng nhận ra thương hiệu một cách mau chóng (brand awareness), chất lượng sản phẩm hay dịch vụ mà thương hiệu cung cấp trong nhận thức của khách hàng (perceived quality), những liên tưởng của khách hàng khi nghe hoặc nhìn thấy thương hiệu (brand associations).
Giá trị thương hiệu như vậy không phải là giá trị tiền mặt (thư giá = book value) của thương hiệu. Chẳng hạn giáo sư Tôn Thất Nguyễn Thiêm (Viện Đào tạo quản trị kinh doanh UBI, Bruxelles) chỉ ra rằng Tập đoàn thuốc lá Philip Morris năm 1988 đã mua lại Công ty Kraft với giá 12,6 tỉ USD, gấp sáu lần giá trị các tài sản thực có của công ty này.
Những thương hiệu bá chủ như Coca-Cola, Microsoft, GM, Sony, Toyota, Nokia… đương nhiên là có giá trị thị trường rất cao, và một trong những chiến lược xây dựng thương hiệu mạnh để nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường là “mở rộng thương hiệu” (brand extension). Cũng nên phân biệt thuật ngữ này với “mở rộng chức năng của cùng một sản phẩm” (line extension).
Chẳng hạn để liên tục phát huy lợi thế cạnh tranh, Công ty Nokia cải tiến, bổ sung thêm nhiều chức năng cho các sản phẩm điện thoại di động của mình, đó là “line extension”, không phải “mở rộng thương hiệu”.
“Mở rộng thương hiệu” chính là tạo ra thêm những thương hiệu mới hoặc thương hiệu phụ dựa trên cơ sở uy tín của thương hiệu đang sẵn có. Ví dụ Hãng xe hơi Toyota vừa tung ra thêm một thương hiệu xe là Vios: Vios chính là một thương hiệu phụ (sub-brand) “ăn theo” trên uy tín của siêu thương hiệu (megabrand) Toyota. Nhưng loại xe sang trọng Lexus (cũng của Hãng Toyota, nhưng đứng độc lập, không nêu tên, cũng không dùng các logo quen thuộc của Toyota) là một thương hiệu mới hoàn toàn.
Trong trường hợp này thương hiệu Toyota lùi lại đằng sau đóng vai trò của “thương hiệu bảo trợ trong bóng tối” (shadow endorser). Tại sao Toyota phải làm như vậy? Nhìn từ quan điểm giá trị thương hiệu, từ lâu Toyota đã định vị trong tâm thức người tiêu dùng như thương hiệu của một loại xe bình dân, dành cho người có thu nhập trung bình, nay nếu muốn tung ra một loại xe sang trọng có khả năng thách đấu với Mercedes-Benz thì phải tránh không dùng thương hiệu Toyota mà phải tìm một thương hiệu mới.
Nhưng nếu có ai thắc mắc về nguồn gốc thật sự của thương hiệu Lexus thì Toyota sẽ “bước ra khỏi bóng tối” để trình diện vì dù sao thương hiệu Toyota cũng có sức nặng đáng kể của nó trong ngành công nghiệp xe hơi. Hãng Honda cũng áp dụng cùng một chiến lược với loại xe Acura.
Dĩ nhiên, không phải nhà chiến lược nào cũng ủng hộ việc “mở rộng thương hiệu”. Hai tác giả Jack Trout và Al Ries cực lực phản đối việc này. Điều rắc rối là hai tác giả này lại dùng thuật ngữ “line extension” để chỉ việc “mở rộng thương hiệu”. Jack Trout và Al Ries nổi danh thế giới với tác phẩm Định vị: cuộc chiến tranh giành vị trí trong đầu khách hàng (Positioning: the battle for the Mind).
Theo hai tác giả này, sức mạnh của thương hiệu tỉ lệ nghịch với sự mở rộng thương hiệu và những thương hiệu hàng đầu chỉ tập trung vào một thế “định vị” duy nhất trong đầu óc người tiêu dùng: Coca-Cola chỉ có nghĩa là “nước ngọt giải khát có gas”, Nokia chỉ có nghĩa là “điện thoại di động”, Mercedes chỉ có nghĩa là “xe hơi hạng sang, cao cấp”…
Nếu Coca-Cola cũng nhảy vào lĩnh vực điện ảnh, Nokia tham gia bán thức ăn nhanh, hay Mercedes “mở rộng” sang lĩnh vực kinh doanh may mặc, chắc chắn không sớm thì muộn họ cũng phải rút khỏi thị trường thứ hai này. Điển hình cho loại công ty ôm đồm nhất thế giới là Unilever, trên 1.600 sản phẩm, kinh doanh từ bột giặt (thương hiệu Omo khá nổi tiếng tại VN), kem đánh răng, xà bông (thương hiệu Dove), cho đến mỹ phẩm, trà (thương hiệu Lipton); nhưng dù sao Unilever không dùng tên Unilever cho các sản phẩm của mình mà cẩn thận sử dụng những thương hiệu hoàn toàn độc lập với nhau.
TS Dương Ngọc Dũng